Đường Vành đai và những dự án nổi bật hiện nay – Các dự án đường Vành đai được quy hoạch nhằm rút ngắn quãng đường vận chuyển, kết nối giao thông thuận lợi với các tỉnh, thành phố trong vùng. Vậy đường Vành đai là gì? Có những dự án nào nổi bật hiện nay?
Đường Vành đai là gì?
Đường Vành đai hay còn gọi là đường bao, có thể là đường cao tốc đô thị hoặc xa lộ, là cung đường bao quanh thành phố, kết nối với các đường quốc lộ, tỉnh lộ giúp cho các phương tiện tránh việc phải di chuyển trực tiếp vào các đường phố thuộc khu vực nội đô của một thành phố hay vùng đô thị.
Dự án Đường Vành đai 3 nhằm mục tiêu kết nối TP.HCM với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An và các địa phương khác trong vùng…
Đặc điểm, vai trò của đường Vành đai
– Vai trò của đường Vành đai là tạo ra một tuyến đường nhanh hơn để các các luồng phương tiện có thể di chuyển từ hướng này tới hướng khác của thành phố, di chuyển từ thị trấn này tới thị trấn khác của một vùng đô thị, từ tỉnh này tới tỉnh khác mà không xung đột với luồng phương tiện di chuyển trong trung tâm của đô thị.
– Đường vành đai thường có tiêu chuẩn kỹ thuật cao, yêu cầu khắt khe trong quá trình xây dựng và kiểm định chất lượng.Điều này n
đảm bảo cho độ bền của đường với thời gian đồng thời đảm bảo tuyệt đối cho người tham gia giao thông khi lưu thông trên đường.
– Phải có khổ rộng, có thể đi được nhiều làn xe.
– Kết cấu mặt đường vững chắc bảo đảm xe chạy tốc độ cao.
– Hai bên đường vành đai là hệ thống rào chắn an toàn, chắc chắc. Các cột mốc, biển hiệu chỉ đường luôn luôn phải đảm bảo đầy đủ và chính xác, định hướng cho người tham gia giao thông được thuận tiện hơn.
Những dự án đường Vành đai nổi bật hiện nay
Các tuyến đường Vành đai tại TP.HCM
TP.HCM quy hoạch 4 tuyến đường Vành đai với tổng chiều dài hơn 380 km nhưng đến nay mới hoàn thành hơn 90 km.
Quy hoạch các tuyến đường Vành đai tại TP.HCM
Vành đai 1 dài 26,4 km đi qua Thành phố Thủ Đức, quận Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, quận 8 và huyện Bình Chánh. Tuyến đường này bắt đầu từ đường Phạm Văn Đồng (Ngã 4 Linh Xuân) – Bạch Đằng – Trường Sơn – Hoàng Văn Thụ – Hồng Lạc – Thoại Ngọc Hầu – Hương lộ 2 – Kinh Dương Vương – Nguyễn Văn Linh.
Đường Vành đai 1 giúp giảm tình trạng xe quá tải lưu thông vào nội thành, đồng bộ cơ sở hạ tầng các vùng ngoại thành và kích thích giãn dân ra khu vực vùng ven TP.HCM.
Vành đai 2 dài 64 km, quy mô 6-10 làn xe, chạy qua Thành phố Thủ Đức, quận 2, 7, 8, 12, Bình Tân và huyện Bình Chánh, Hóc Môn.
Được quy hoạch từ năm 2007, nhưng đến nay toàn tuyến mới xong 50km, còn 14km chia làm 4 đoạn chưa hoàn thành.
Khi được khép kín, Vành đai 2 giúp phân luồng, giảm áp lực giao thông nội đô. Ngoài ra, tuyến đường còn giúp kết nối cảng biển và các tuyến giao thông quan trọng khác như xa lộ Hà Nội, Phạm Văn Đồng, cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, quốc lộ 1, 13…
Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 76,34 km, bao gồm đoạn qua TP.HCM 47,51km, Đồng Nai 11,26km, Bình Dương 10,76km và Long An 6,81km.
Đường Vành đai 3 có điểm đầu tại điểm giao với cao tốc Bến Lức – Long Thành thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, và điểm cuối tại nút giao với cao tốc Bến Lức – Long Thành thuộc địa bàn huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Tổng mức đầu tư của dự án 75.378 tỉ đồng, gồm 50% vốn trung ương và 50% vốn địa phương.
Theo kế hoạch triển khai dự án, tháng 10/2022 sẽ bắt đầu bàn giao mặt bằng, đến cuối năm 2023 nhận bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng.
Dự kiến thời gian thi công dự án là 36 tháng, đặt mục tiêu thông xe toàn tuyến, hoàn thành cơ bản phần cao tốc vào tháng 10/2025. Hoàn thành toàn bộ dự án năm 2026.
Vành đai 4 dài 198 km, đi qua Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM và Long An, ước tính tổng mức đầu tư 100.000 tỉ đồng.
Được duyệt năm 2013, tuyến vành đai này có vai trò chiến lược trong liên kết vùng, đặc biệt kết nối Khu đô thị cảng Hiệp Phước ở phía Nam Sài Gòn với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên sau 8 năm, tuyến đường chưa được hình thành.
Vành đai 4 chia làm 5 đoạn, trong đó đoạn Bến Lức – Hiệp Phước (dài gần 36 km), tổng vốn 20.000 tỉ đồng đang được nghiên cứu đề xuất đầu tư.
Các đoạn còn lại chưa khởi động gồm: Phú Mỹ – Trảng Bom (hơn 45 km), Trảng Bom – quốc lộ 13 (52 km), quốc lộ 13 – quốc lộ 22 (gần 23 km), quốc lộ 22 – Bến Lức (hơn 41 km).
Các tuyến đường Vành đại tại Hà Nội
Hà Nội quy hoạch 7 tuyến đường vành đai với tổng chiều dài 285 km, tuy nhiên hiện mới hoàn thành hơn 132 km. Trong đó 5 tuyến vành đai chính (1, 2, 3, 4, 5) và 2 tuyến vành đai hỗ trợ (2,5 và 3,5). Theo thông tin từ Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội vào đầu tháng 6/2022 về tiến độ các dự án Vành đai:
Vành đai 1 dài 7,21 km qua các phố Trần Khát Chân – Đại Cồ Việt – Xã Đàn – Hoàng Cầu – Voi Phục. Dự án đã hoàn thành theo quy hoạch được 4,71 km, còn đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục (2,5 km) đang triển khai giải phóng mặt bằng, thi công xây dựng.
Vành đai 2 dài 39 km với hướng tuyến phía nam sông Hồng qua Vĩnh Tuy – Vọng – Ngã Tư Sở – Cầu Giấy – Nhật Tân; hướng tuyến phía bắc sông Hồng đi trùng đường 5 cũ và đường 5 kéo dài (từ cầu Vĩnh Tuy – cầu Nhật Tân).
Hiện nay đã hình thành toàn tuyến và khép kín đường vành đai 2, trong đó đã đầu tư hoàn chỉnh theo quy mô quy hoạch 28,46 km; đang thi công mở rộng với quy mô quy hoạch 6,54 km theo Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 và Dự án đường vành đai 2 trên cao thực hiện theo hợp đồng BT.
Trong giai đoạn 2021-2025 sẽ hoàn thành việc đầu tư theo quy hoạch phần lớn chiều dài tuyến (35 km/39 km, tương ứng khoảng 90%).
Vành đai 2,5 dài khoảng 19,41 km chia làm 13 đoạn. Hiện nay đã đầu tư theo quy hoạch được 9,59 km, đang triển khai 5 đoạn 5,97 km và xác định đầu tư đoạn Nguyễn Trãi – Đầm Hồng dài khoảng 1 km tại Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025; và 4 đoạn chưa được đầu tư (gần 4 km). Chín đoạn này nằm chủ yếu trên địa bàn các quận Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai.
Trong giai đoạn 2021-2025, tuyến Vành đai 2,5 sẽ hoàn thành việc đầu tư theo quy hoạch được 16,56 km/19,41 km (đạt khoảng 85%).
Vành đai 3 dài 68 km, hướng tuyến Nam Thăng Long – Mai Dịch – Pháp Vân – Cầu Thanh Trì – Sài Đồng – Ninh Hiệp – Đồng Xuân và nối vào đường Bắc Thăng Long – Nội Bài.
Hiện đã được thông tuyến toàn bộ từ Nội Bài đến Việt Hùng, Đông Anh, phục vụ nhu cầu di chuyển từ phía bắc xuống phía nam, sang phía đông thành phố và ngược lại.
Việc đầu tư đoạn tuyến vành đai 3 phía bắc dài khoảng 14 km từ cao tốc Hà Nội Thái Nguyên – Nội Bài để khép kín tuyến Đường Vành đai 3 sẽ được UBND Thành phố Hà Nội nghiên cứu thực hiện tổng thể cùng với việc phát triển đô thị phía bắc sông Hồng.
Vành đai 3,5 dài khoảng 45,64 km. Hiện nay đã đầu tư theo quy hoạch được 9,5 km (từ Đại Lộ Thăng Long – Trục phía nam); đang thực hiện đầu tư theo quy hoạch 5,5 km từ Quốc lộ 32 – Đại Lộ Thăng Long theo 2 dự án và đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 25,1 km theo 5 dự án với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 18.526 tỉ đồng.
Trong giai đoạn 2021-2025, tuyến Đường Vành đai 3,5 sẽ được đầu tư theo quy hoạch phần lớn chiều dài tuyến (40,1km/45,64km tương ứng khoảng 88%), riêng đoạn tuyến còn lại từ cao tốc Pháp Vân Cầu Giẽ – Cầu Ngọc Hồi – Hưng Yên sẽ được tiếp tục xem xét trong thời gian tới.
Vành đai 4 có tổng chiều dài khoảng 112,8 km (gồm 103,1km đường vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài – Hạ Long).
Trong đó, đoạn qua địa phận TP. Hà Nội dài 58,2 km; Hưng Yên dài 19,3 km; Bắc Ninh dài 25,6 km và tuyến nối 9,7 km.
Điểm đầu tại Km3+695 trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai (xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội); điểm cuối Km40+500 trên cao tốc Nội Bài – Hạ Long (huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).
Hướng tuyến đường Vành đai 4 qua địa bàn 3 địa phương (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên). Nguồn UBND TP Hà Nội
Dự án sẽ được triển khai theo hình thức đầu tư đầu tư công kết hợp đầu tư PPP với sơ bộ tổng mức đầu tư là khoảng 85.813 tỉ đồng.
Dự án được chia làm 7 dự án thành phần độc lập với nhau, trong đó Dự án thành phần 3 – đầu tư hệ thống đường cao tốc theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT do UBND TP. Hà Nội là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Tuyến đường Vành đai 4 được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 với tổng mức đầu tư 85.813 tỉ đồng.
Việc chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
Vành đai 5 dài 331 km, đi qua 8 tỉnh thành Hà Nội (48 km), Hòa Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên và Vĩnh Phúc. Đa số các đoạn tuyến của vành đai này hiện chưa được đầu tư.