Luật Đất đai 2013, dự thảo luật Đất đai sửa đổi quy định người nước ngoài không thuộc đối tượng sử dụng đất tại Việt Nam. Trong khi đó, dự thảo luật Nhà ở sửa đổi đề xuất người nước ngoài được sở hữu nhà ở riêng lẻ, chung cư.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị mới có báo cáo gửi Thủ tướng về việc tiếp thu, giải trình ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về dự án luật Nhà ở sửa đổi.
Liên quan đến quyền sử dụng đất gắn với nhà ở do cá nhân nước ngoài sở hữu tại Việt Nam nêu tại điểm a khoản 2 điều 22 dự thảo luật Nhà ở sửa đổi, trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã đề nghị Chính phủ rà soát lại các quy định của dự thảo luật Nhà ở sửa đổi để đảm bảo phù hợp với Nghị quyết 18-NQ/T.Ư ngày 16.6.2022 (Nghị quyết 18); bảo đảm tính thống nhất với dự thảo luật Đất đai sửa đổi, luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết luật Nhà ở 2014 quy định cho phép cá nhân nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam (bao gồm cả nhà ở riêng lẻ và căn hộ chung cư) tại các khu vực được phép sở hữu nhà ở và người mua nhà được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Theo thống kê sơ bộ của các địa phương, hiện trên cả nước có khoảng hơn 3.000 cá nhân, tổ chức nước ngoài mua và được cấp giấy chứng nhận, chủ yếu là nhà chung cư. Bộ Xây dựng chưa nhận được báo cáo về việc tổ chức, cá nhân nước ngoài mua nhà ở riêng lẻ như biệt thự, nhà liền kề.
Theo quy định tại điều 5 luật Đất đai 2013 và dự thảo luật Đất đai sửa đổi, cá nhân nước ngoài không thuộc đối tượng được sử dụng đất tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Nghị quyết 18 cũng không đề cập đến việc sử dụng đất của cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Do vậy, Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng cho phép giữ nguyên như dự thảo luật Nhà ở sửa đổi về việc cá nhân nước ngoài nhập cảnh vào được mua, sở hữu nhà ở tại Việt Nam (bao gồm cả nhà ở riêng lẻ và căn hộ chung cư); đồng thời, bỏ quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất thuê (tại điểm a khoản 2 điều 22 dự thảo luật Nhà ở sửa đổi).
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng sẽ bám sát luật Đất đai sửa đổi về nội dung liên quan đến đối tượng sử dụng đất của người nước ngoài tại Việt Nam để đảm bảo quy định thống nhất, đồng bộ với dự thảo luật Đất đai sửa đổi.
Điều 5 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về người sử dụng đất, không quy định cá nhân là người nước ngoài được sử dụng đất ở tại Việt Nam như sau:
Điều 5. Người sử dụng đất
Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất; thuê lại đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao theo quy định của Luật này, bao gồm:
1. Tổ chức trong nước gồm:
a) Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức khác theo quy định của pháp luật về dân sự;
b) Tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật về đầu tư, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều này;
c) Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc sử dụng đất (sau đây gọi chung là tổ chức tôn giáo).
2. Hộ gia đình sử dụng đất gồm những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, có quyền sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành (sau đây gọi là hộ gia đình).
3. Cá nhân trong nước (sau đây gọi là cá nhân).
4. Cộng đồng dân cư.
5. Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao gồm cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện khác của nước ngoài có chức năng ngoại giao được Chính phủ Việt Nam thừa nhận; cơ quan đại diện của tổ chức thuộc Liên hợp quốc, cơ quan hoặc tổ chức liên chính phủ, cơ quan đại diện của tổ chức liên chính phủ.
6. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch.
7. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Điều 10, Điều 19 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định cụ thể như sau:
Điều 10. Đối tượng và điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam
1. Đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm:
a) Tổ chức, cá nhân trong nước;
b) Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam;
c) Tổ chức, cá nhân nước ngoài theo quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật này.
2. Điều kiện được sở hữu nhà ở:
a) Tổ chức, cá nhân trong nước được sở hữu nhà ở thông qua hình thức đầu tư xây dựng, mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở, khi hết thời hiệu do chiếm hữu theo quy định của pháp luật, theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật;
b) Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở thông qua hình thức đầu tư xây dựng nhà ở trên diện tích đất được thừa kế, được tặng cho theo quy định của pháp luật đất đai; mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã có chức năng kinh doanh bất động sản (sau đây gọi chung là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản); mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của cá nhân; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật;
c) Tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở thông qua các hình thức quy định tại khoản 2 Điều 19 của Luật này.
3. Chính phủ quy định cụ thể các giấy tờ chứng minh đối tượng được sở hữu nhà ở quy định tại Điều này.
Điều 19. Đối tượng được sở hữu nhà ở và hình thức được sở hữu tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài
1. Đối tượng tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm:
a) Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;
b) Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (sau đây gọi chung là tổ chức nước ngoài);
c) Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.
2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại khoản 1 Điều này được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, bao gồm cả căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ thông qua các hình thức sau đây:
a) Đối tượng quy định tại điểm a Khoản 1 Điều này được sở hữu nhà ở thông qua việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở tại Việt Nam;
b) Đối tượng quy định tại điểm b Khoản 1 Điều này được sở hữu nhà ở thông qua mua, thuê mua nhà ở thương mại của chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở nằm trong khu vực tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép sở hữu nhà ở quy định tại Điều 18 của Luật này;
c) Đối tượng quy định tại điểm a, điểm b Khoản 1 Điều này được sở hữu nhà ở thông qua mua, thuê mua nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài đã sở hữu nhà ở theo quy định tại điểm b khoản này.
Mọi thắc mắc, đóng góp xin vui lòng liên hệ đến chúng tôi qua những thông tin sau:
- CTCP ĐẦU TƯ & PHÁT TRIỂN ĐẠI TRƯỜNG SƠN
- 27 Quách Văn Tuấn, P.12, Q. Tân Bình, TP.HCM (Bấm vào để xem chỉ đường tại đây).
- Website: daitruongsongroup.com
- Hotline: 0876.839.666
- Email: daitruongsongroup.dtsg@gmail.com
Theo dõi Đại Trường Sơn để nhận thêm nhiều tin tức mới nhất về Bất động sản !