Hơn 50 năm trước, vùng đất trên cao nguyên B’Lao xưa, nay là thành phố trẻ Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, được lựa chọn nhằm thực hiện khát vọng về một “kinh đô” tơ lụa của Việt Nam. Trải qua thăng trầm, giờ đây thương hiệu “Tơ lụa Bảo Lộc” đang “dệt” đường tơ óng ả trên những “miền mơ tưởng”, những vùng đất được ví là “kinh đô” thời trang thế giới.
Trung tuần tháng 10, nhà thiết kế Minh Hạnh và Công ty Vietnam Silk House, mang đến San Marino những đường tơ óng ả của Bảo Lộc trong những tà áo dài và bộ thời trang, được thiết kế trên những dấu ấn của San Marino.
Lụa xứ B’Lao được khoe vẻ đẹp thuần khiết của sợi tơ tằm tự nhiên tại sự kiện “Silk & San Marino”, nhân kỷ niệm 15 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-San Marino, do Đại sứ quán Việt Nam tại Italia kiêm nhiệm San Marino, cùng Bộ Ngoại giao San Marino tổ chức.
“Đây là sự kiện quảng bá văn hóa Việt Nam thông qua sự kết nối lụa tơ tằm Bảo Lộc, áo dài Việt Nam đến đất nước có ngành dệt may lâu đời nằm trong lòng kinh đô thời trang thế giới là Italia”, ông Huỳnh Tấn Phước, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Vietnam Silk House, “ngôi nhà chung” của các doanh nghiệp tơ lụa tại thành phố Bảo Lộc, chia sẻ.
Tại sự kiện văn hóa “Silk & San Marino”, Đại sứ Việt Nam tại Italia kiêm nhiệm San Marino Dương Hải Hưng diễn giải: “Tơ lụa là hình ảnh ẩn dụ sống động về giao thương trong lịch sử, cùng hình ảnh ẩn dụ của tuổi 15 trong quan hệ hai nước, lứa tuổi tràn đầy sức sống và niềm hy vọng tươi mới về tương lai hợp tác giữa hai nước”.
Nhà thiết kế Minh Hạnh mang đến San Marino gần 200 bộ trang phục sang trọng của thời trang lụa Việt, được làm từ chất liệu tơ tằm Bảo Lộc của Vietnam Silk House. Bộ sưu tập chắt lọc những hình ảnh tiêu biểu của San Marino, vừa tự hào giới thiệu với công chúng tại đất nước “đại bình yên” về tơ lụa và văn hóa Việt Nam.
Tại sự kiện này, NSƯT Linh Nga thể hiện sinh động các vũ khúc kết hợp nón lá và múa quạt. Những người mẫu nhiều kinh nghiệm trên sàn catwalk, như Trang Phạm, Hồng Quế, Kim Dung, Trà My cùng 12 người mẫu đến từ Milan (Italia), với ngôn ngữ tạo hình quyến rũ, đã quảng bá hình ảnh và văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế qua những bộ áo dài và bộ sưu tập thời trang lụa tơ tằm độc đáo.
“Tôi muốn chia sẻ với thế giới vẻ đẹp của tơ lụa Việt là vĩnh cửu, nếu chúng ta thể hiện được bản sắc thời đại của chính mình”, nhà thiết kế Minh Hạnh bày tỏ.
Ông Huỳnh Tấn Phước cho biết thêm, nhà hát lớn Titano kín chỗ trong đêm diễn ra sự kiện. Trong đó có các quan chức cấp cao nhất của San Marino, đặc biệt là sự hiện diện của hai vị đồng nguyên thủ San Marino Maria Luisa Berti và Manuel Ciavatta. Ngoại trưởng Luca Beccari hào hứng: “Buổi biểu diễn rất tuyệt! Chúng tôi cảm nhận được sự tinh tế và tình yêu của các bạn dành cho văn hóa và đất nước chúng tôi. Đây là sự kết hợp hoàn hảo, như mối quan hệ hữu nghị trong 15 năm qua giữa hai đất nước”.
Giới thời trang có câu “mọi thương hiệu thời trang xa xỉ đều dùng tơ lụa của Como”. Tháng 7 vừa qua, nhà thiết kế Minh Hạnh cùng Vietnam Silk House, đại diện một số doanh nghiệp sản xuất tơ lụa, thương hiệu thời trang Việt, cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Italia tổ chức hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm tơ lụa Bảo Lộc tại Como (Italia), nơi được mệnh danh “thành phố của lụa”, đã góp phần giúp thương hiệu tơ lụa xứ B’Lao tiếp tục lan xa đến những “miền mơ tưởng”.
Hàng loạt sự kiện đã được hai bên thống nhất triển khai, nhằm kết nối hợp tác giữa thành phố Bảo Lộc – trung tâm sản xuất tơ lụa lớn nhất Việt Nam với Como. Trong đó có sự kiện biểu diễn tơ lụa Bảo Lộc tại Como vào năm 2023.
Chỉ cần một công ty của Việt Nam xuất được tơ sợi sang Italia, sẽ tạo ra cơ hội quảng bá và nâng tầm giá trị tơ lụa Việt Nam và kết quả bước đầu của sự kết nối này đặt nền móng để tơ lụa Bảo Lộc có thể đặt chân đến thủ phủ tơ lụa của Italia một cách chính danh.
Về lâu dài, nhà thiết kế Minh Hạnh và những người sản xuất tơ lụa tại Bảo Lộc đã bắt đầu xây dựng “chiến lược” để lụa Việt Nam có tên trên bản đồ tơ lụa thế giới.
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Italia cuối tháng 10 mới đây, đoàn công tác tỉnh Lâm Đồng do đồng chí Trần Đức Quận, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dẫn đầu, có cuộc làm việc với lãnh đạo thành phố Como cùng đại diện các doanh nghiệp; thăm trường dạy nghề thiết kế, sản xuất các sản phẩm lụa và trung tâm dệt lụa của Como.
Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng đã có lời mời lãnh đạo thành phố Como sang thăm, làm việc và tham dự Festival hoa Đà Lạt năm 2022. Đồng thời, nhắn gửi chính quyền Como quan tâm, phối hợp tổ chức các sự kiện, nhất là buổi trình diễn thời trang tơ lụa Bảo Lộc tại Como năm 2023, chào mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Italia.
Trước đó, tháng 10/2019, tại thủ đô Moscow (Nga), diễn ra buổi giới thiệu sản phẩm lụa tơ tằm Bảo Lộc và ra mắt bộ sưu tập thời trang “bí ẩn chim phượng” của nhà thiết kế Minh Hạnh. Khách tham quan đều bị quyến rũ bởi các sản phẩm tơ lụa Việt Nam.
Bà Natalia, người dân Moscow hào hứng “Cảm ơn các nhà sản xuất tơ lụa Bảo Lộc đã mang những sản phẩm lụa tuyệt vời và độc đáo đến với nước Nga. Buổi trưng bày, giới thiệu là cơ hội để chúng tôi hiểu biết hơn về tơ lụa và văn hóa Việt Nam”.
TỪ đỉnh Sapung, có thể cảm được nét u hoài, trầm mặc xứ Mạ B’Lao xưa đã thay bằng nhịp điệu phố, nhịp điệu những cung tơ dệt sắc mầu. Tôi vẫn quen gọi B’Lao hơn Bảo Lộc, dù chưa thể cắt nghĩa “B’Lao” là đám mây bay thấp, bàu nước, hay khoảng rừng thủng… theo phương ngữ Mạ, Cơ Ho; nhưng mê đắm hương trà B’Lao và những sợi tơ tự nhiên đỏng đảnh xứ này.
Từng có dịp trò chuyện với nhà thiết kế Minh Hạnh, tôi rất ấn tượng với ví von của chị, khi nhắc chuyện “con tằm cõng nắng đổ đầy nong tơ” và giấc mơ lụa Việt trên bản đồ thế giới.
Chị nói: “Lụa tơ tằm Bảo Lộc như hình ảnh cô gái đẹp giam mình trong ngôi nhà cổ. Ðây là điều đáng tiếc…”. Và, trong thời gian ngắn, “cô gái đẹp” ấy đã dệt nên những đường tơ quyến rũ trong làng thời trang vượt biên giới.
“Tôi từng ví tơ lụa Bảo Lộc như thế. Nhưng giờ đây, sự kết hợp giữa nhà sản xuất, nhà thiết kế, nhà phân phối và cả những nhà công nghệ dành cho tơ lụa, thì “cô gái đẹp” ấy trở nên gần gũi hơn. Người tiêu dùng đã “chạm” được cô gái đẹp ấy, chứ không phải là cô gái đẹp khá đỏng đảnh nằm trong ngôi nhà cổ, với một vẻ đẹp u hoài”, nhà thiết kế Minh Hạnh trải lòng.
Khoảng thập niên 60 thế kỷ trước, vùng đất B’Lao được lựa chọn nhằm thực hiện khát vọng về một “kinh đô” tơ lụa của Việt Nam. Sau khoảng mười năm gây dựng, giấc mơ tơ lụa Bảo Lộc có tên trên bản đồ tơ lụa thế giới bỗng đứt quãng do nhiều lý do.
Những năm gần đây, cùng với thị hiếu tiêu dùng, áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại, cung cách làm ăn bài bản và sự nhiệt huyết của những người mê đắm sợi tơ tằm, thương hiệu “Tơ lụa Bảo Lộc” đã hồi sinh mạnh mẽ.
Sợi tơ tằm tự nhiên xứ B’Lao đang dệt sắc mầu tươi mới, hòa quyện giữa hiện đại và truyền thống; với 30 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm tơ lụa; hằng năm sản xuất hơn 1.100 tấn tơ, khoảng 5 triệu mét lụa.
“Đến với Bảo Lộc, sau khi thưởng thức chén trà B’Lao, choàng tấm lụa tơ tằm mềm mại, du khách sẽ cảm nhận được đời sống văn hóa và nghề tơ lụa phố núi B’Lao”, nguyên Chủ tịch UBND Thành phố Bảo Lộc Đoàn Kim Đình gợi mở.
Theo nhà thiết kế Minh Hạnh, sợi tơ tằm truyền thống, giới thiết kế thường gọi là gia tài của ông bà để lại. Khi đã có gia tài thì phải làm giàu thêm, để chất liệu truyền thống gắn liền với sự phát triển của thương hiệu Việt.
Thông qua con đường thời trang, vẻ đẹp của tơ lụa được chuyển tải một cách trung thực và sinh động nhất, mang đến cho người tiêu dùng một ý niệm mới về sản phẩm truyền thống hừng hực tinh thần thời đại.
Tơ lụa Bảo Lộc từng xuất hiện tại Tuần lễ cấp cao APEC 2006 và 2017, trong trang phục của các nguyên thủ, những bộ sưu tập thời trang do nhà thiết kế Minh Hạnh thực hiện và có mặt trên các sàn diễn thời trang danh giá Paris, Milan, Moscow…
Sản phẩm tơ lụa Bảo Lộc từng bước chinh phục giới mộ điệu thời trang thế giới, với các dòng sản phẩm chính, như tơ xe, lụa tơ tằm, lụa satin, yozu, habutai và lụa CDC dùng may áo dài, quần áo cao cấp, trang trí nội thất. Thương hiệu “Tơ lụa Bảo Lộc” từng bước được định danh tại các thị trường Nhật Bản, Ấn Độ, châu Âu, Trung Đông…
Theo Báo Nhân Dân