Đến năm 2030, TP.HCM dự kiến phát triển khoảng 6,58 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, tương ứng khoảng 93.000 căn nhà…

Đây là thông tin được UBND TP.HCM công bố tại Chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021 – 2030, với mục tiêu là khắc phục những hạn chế trong việc phát triển nhà ở của thành phố trong thời gian qua, đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp dân cư với các mức thu nhập khác nhau.

Dự kiến đến 2023, TPHCM sẽ có 93.000 căn nhà ở xã hội để nâng cao an sinh xã hội cho người dân
Dự kiến đến 2023, TPHCM sẽ có 93.000 căn nhà ở xã hội để nâng cao an sinh xã hội cho người dân

MỚI CHỈ ĐÁP ỨNG 5% NHU CẦU NHÀ Ở CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Báo cáo về nhà ở xã hội thời gian quan, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết trong giai đoạn 2016-2020, lượng nhà ở thuộc lĩnh vực này tăng trưởng thấp nhất khi chỉ tăng thêm 1,23 triệu m2 sàn (14.954 căn), toàn thành phố có 19 dự án xây dựng hoàn tất và đưa vào sử dụng, đạt 69,2% chỉ tiêu đề ra (chỉ tiêu theo Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2016 – 2020 là 1,78 triệu m2 sàn).

Trong đó, khu vực nội thành phát triển đóng vai trò chủ đạo, tăng 930.936m2 sàn, khu vực huyện ngoại thành chiếm tỷ trọng lớn thứ 2, đạt 159.305 m2 sàn; khu vực nội thành hiện hữu có tốc độ tăng chậm lại và khu vực trung tâm hiện hữu không có dự án nhà ở xã hội.

Về nguồn vốn đầu tư xây dựng, giai đoạn này chỉ có hơn 2 dự án sử dụng vốn ngân sách, với tổng số 620 căn hộ (chiếm 4,15%). Còn các doanh nghiệp đầu tư hơn 16 dự án, với tổng số 13.870 căn hộ (chiếm 95,8%). Như vậy, tỉ trọng vốn nhà nước dành cho việc phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2016-2020 rất thấp.

TP.HCM chỉ xét duyệt được cho 509 đối tượng đủ điều kiện được thuê, thuê mua nhà ở xã hội được đầu tư bằng vốn ngân sách, còn lại khoảng 17.632 đối tượng chưa được hưởng chính sách về nhà ở.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, TP.HCM có 1 dự án nhà ở xã hội đưa vào sử dụng, cung ứng 260 căn hộ. Dự kiến đến năm 2025, thành phố phát triển thêm 2,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội.

“Lượng nhà ở xã hội chưa đạt được mục tiêu đề ra, rất khó khăn khi triển khai các dự án nhà ở xã hội ở TP.HCM bởi các vướng mắc về mặt thủ tục, pháp lý, cơ chế hỗ trợ ưu đãi…”, ông Khiết nhận định.

Bên cạnh đó, rất nhiều đối tượng nhà ở xã hội đang khó tiếp cận nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội. Đến nay chỉ 310 khách hàng được vay, với tổng số vốn gần 150 tỷ đồng. Trong khi số lượng đủ điều kiện vay lên đến khoảng 20.000 người, phần lớn phải vay từ các nguồn khác theo giá thương mại.

Đại diện Ban Quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN) TP.HCM cho biết, thời gian qua có 16 nhà lưu trú công nhân đưa vào sử dụng tạo chỗ ở cho 21.000 người lao động, chiếm 15% lao động trong các KCN-KCX. Qua khảo sát 96.000 người lao động ở 212 doanh nghiệp, có đến 64.000 lao động ở nhà trọ, trong đó 54.000 lao động có nhu cầu thuê, mua nhà ở xã hội.

Như vậy, nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân trên địa bàn TP.HCM trong thời gian qua chỉ đáp ứng nhu cầu cho chưa đến 5% người lao động. Đây là thực trạng thành phố đang khắc phục trong thời gian tới.

Về công trình xây dựng nhà lưu trú cho công nhân, hiện chỉ có 16 công trình, đáp ứng khoảng 15% lượng người có nhu cầu. Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những bất cập trong thực tế đối với việc đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân tại các KCX, KCN hiện hữu như: Không còn quỹ đất chưa khai thác, sử dụng để điều chỉnh quy hoạch xây dựng thành đất đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân, các công trình phục vụ tiện ích người lao động khác ngay trong ranh KCX, KCN.

Việc điều chỉnh quy hoạch đối với các dự án nhà lưu trú cho công nhân, công trình phục vụ tiện ích người lao động còn mất rất nhiều thời gian, công sức của Nhà đầu tư do quy trình thủ tục phức tạp.

Một số giải pháp hỗ trợ công nhân lao động sở hữu nhà ở trong điều kiện hiện nay tại TP.HCM, đó là xây dựng và định hướng chiến lược phát triển nhà ở dài hạn, huy động được nguồn vốn lớn và xây dựng quỹ đất đáp ứng cho các dự án phát triển nhà ở xã hội giá rẻ.

Điển hình là TP.HCM đã ban hành Chương trình phát triển nhà ở cho từng giai đoạn cụ thể, đặt ra mục tiêu cho từng giai đoạn và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành liên quan, ưu tiên bố trí quỹ đất sạch, quy hoạch vị trí phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.

Điều này cần có chủ trương thông suốt của chính quyền địa phương, cùng sự chung tay của các cơ quan ban ngành, tạo điều kiện và khuyến khích nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân lao động.

CẦN TẠO QUỸ ĐẤT

Để tạo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đề xuất, cần chủ động tạo quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội thông qua tổ chức phát triển quỹ đất; Hoàn thiện các cơ chế thực hiện quy định về nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án nhà ở kinh doanh.

Tổ chức phát triển quỹ đất cần có cơ chế hoạt động của doanh nghiệp để có thể chủ động thực hiện các quyền đối với đất đai của một tổ chức kinh tế, có thể chủ động huy động vốn dưới nhiều dạng khác nhau để thực hiện thu hồi đất theo quy hoạch.

Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế, chính sách phát triển các nguồn vốn vay ưu đãi đối với công nhân lao động hỗ trợ tạo lập nhà ở, đồng thời tạo hiệu ứng lan tỏa đối với thị trường.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết, mục tiêu của Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2030 là khắc phục những hạn chế trong việc phát triển nhà ở của thành phố trong thời gian qua, đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp dân cư với các mức thu nhập khác nhau.

Dự báo bình quân 1 năm TP.HCM tăng khoảng 200.000 người, 5 năm tăng khoảng 1 triệu người. Do đó, nhiệm vụ đặt ra là phải đẩy mạnh phát triển nhà ở cho các đối tượng có nhu cầu để cải thiện chất lượng nhà ở cho người dân, đảm bảo an sinh xã hội của một đô thị lớn.

Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện cải cách hành chính và kiến nghị Trung ương khắc phục những bất cập để thu hút nguồn lực phát triển nhà ở nói chung và nhà cho người lao động thu nhập thấp trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát quỹ đất đã giao cho các chủ đầu tư để đầu tư xây dựng nhà ở; Sở Quy hoạch – Kiến trúc phối hợp cùng UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức phát triển chỉnh trang đô thị phù hợp với tình hình thực tế, rà soát, điều chỉnh quy hoạch các KCN, KCX theo hướng tăng diện tích đất thương mại dịch để xây dựng nhà lưu trú cho công nhân thuê…

Trước đó, tại kỳ họp thứ 6 HĐND TP.HCM khóa X đã thông qua Nghị quyết về chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021-2030.

Đối với nhà ở xã hội, tổng nhu cầu về nhà ở loại hình này giai đoạn 2021- 2030 khoảng 37 triệu m2 sàn (khoảng 93.000 căn). Trong đó, chủ yếu là nhu cầu của người thu nhập thấp, công nhân làm việc tại các khu, cụm công nghiệp.

Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, thành phố sẽ phát triển 2,5 triệu m2 sàn (khoảng 35.000 căn nhà). Trong đó, nhà cho thuê phấn đấu đạt khoảng 500.000 m2 sàn (7.000 căn); nhà ở lưu trú công nhân là 220.000 m2 sàn (4.500 căn).

Giai đoạn 2026-2030, phát triển khoảng 4,08 triệu m2 sàn nhà ở xã hội (58.000 căn). Trong đó, nhà ở cho thuê phấn đấu đạt khoảng 816.000 m2 sàn (11.600 căn); nhà ở lưu trú công là trên 480.000 m2 sản (8.000 căn).

Về nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội, theo nghị quyết của HĐND TP.HCM, ngân sách thành phố sẽ giải ngân 12.410 tỷ đồng (chiếm khoảng 10% tổng nguồn vốn), được chia làm 2 giai đoạn, khoảng 3.770 tỷ đồng giai đoạn 2021-2025 và khoảng 8.640 tỷ đồng giai đoạn 2026-2030. Mục tiêu nhằm đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước để cho thuê, cho thuê mua, bao gồm cả nhà ở xã hội cho công nhân.

Hướng tới phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội

Ngày 10/3/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã nghe Bộ Xây dựng báo cáo về Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng có kế hoạch, lộ trình bài bản để giải quyết nhu cầu tiếp cận nhà ở của mọi người dân như Hiến pháp đã quy định.

Nhà nước phải bảo đảm giá nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân. Đây là vấn đề không chỉ liên quan đến Bộ Xây dựng mà cả Bộ Tài nguyên-Môi trường, ngân hàng.

Trong quá trình triển khai Đề án cần phân định rõ trách nhiệm của Nhà nước (Trung ương, địa phương), khu vực tư nhân; đồng thời, có tiêu chí xác định dự án sử dụng vốn đầu tư công, hợp tác công-tư và xã hội hoá.

Các dự án nhà ở xã hội cần được tính toán đồng bộ, dự báo chính xác để đưa vào quy hoạch đất đai, quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị. Doanh nghiệp thực hiện các dự án nhà ở xã hội có đủ năng lực, bảo đảm yêu cầu tiến độ, chất lượng. Chính sách thuê, mua nhà ở xã hội cần linh hoạt để công nhân gắn bó với doanh nghiệp.

Tìm hiểu thêm về dự án căn hộ nhà ở xã hội điểm của Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023: tại đây.

LIÊN HỆ PHÒNG KINH DOANH ĐẠI TRƯỜNG SƠN

Theo dõi Đại Trường Sơn để nhận thêm nhiều tin tức mới nhất về Bất động sản !

5/5 - (1 bình chọn)