Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết việc đánh thuế chuyển quyền sử dụng đất sẽ căn cứ theo bảng giá đất, không dựa vào hợp đồng mua bán để khuyến khích người dân khai báo đúng giá khi giao dịch đất đai.

Sáng 19-6, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã gặp gỡ báo chí để thông tin quá trình xây dựng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được Quốc hội xem xét và dự kiến sẽ thảo luận tại hội trường vào ngày 21-6 tới.

Ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết bản dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 (đang diễn ra) gồm 16 chương, 263 điều, trong đó tăng 5 mục (mục 3 Chương IV, mục 1 Chương VII; mục 1, 2, 3 chương XVI), bổ sung mới 40 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến Nhân dân. Tiếp thu ý kiến góp ý của Nhân dân, một số chương, mục, điều đã được chỉnh sửa, thay đổi cơ bản về cấu trúc và nội dung.

Ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường)
Ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Trả lời câu hỏi của phóng viên về phương pháp xác định giá đất khi thu hồi đất tại sao không đưa vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ông Chính cho hay, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu ý kiến này và đang nghiên cứu đưa phương pháp xác định giá đất vào luật nhưng không thể đưa hết được vì có những công thức rất chi tiết nếu đưa vào luật thì không phù hợp. Theo ông Chính, cơ quan soạn đang nghiên cứu đưa nội dung phương pháp vào và trường hợp nào dùng phương pháp nào.

“Ví dụ quy định việc thu thập thông tin, thẩm quyền quyết định hệ số giá đất còn công thức tính toán, chiết khấu… thì phải để cấp Nghị định hoặc Thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phù hợp hơn. Nếu đưa vào luật cứng quá thì sau này sửa luật sẽ rất khó khăn. Chính phủ thì cần linh hoạt để điều hành nên để Chính phủ hướng dẫn”, ông Chính nói.

Về cơ sở dữ liệu đất đai làm căn cứ đầu vào xác định giá đất, ông Chính cho biết, thời gian qua, đã xảy ra tình trạng giá trong hợp đồng chuyển nhượng cơ bản là thấp dù đóng thuế rồi.

Nguyên nhân ở chỗ đánh thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất, tức là thuế thu đánh trên sự chênh lệch của lần mua trước so với lần bán sau. Nếu không chênh lệch thì đánh thuế theo phần trăm của giá đất trong bảng giá đất.

“Điều này khuyến khích người dân nói dối, người dân chỉ khai giá thấp chứ không tội gì khai cao. Chúng ta phải quy định giá đất sát giá thị trường và chúng tôi kiến nghị trong Dự thảo Luật này là sửa luật thuế thu nhập về chuyển quyền sử dụng đất là không đánh thuế thu nhập theo mức chênh lệch mà sử dụng luôn bảng giá này để đánh thuế. Điều này khuyến khích người dân khai báo đúng để có cơ sở dữ liệu đất đai và đánh thuế đúng, ở mức phù hợp”, ông Chính khẳng định.

Về vấn đề giá đất khi thu hồi, ông Chính cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bỏ khung giá đất, ban hành bảng giá đất hàng năm do HĐND địa phương ban hành để sát với tình hình địa phương.

“Nói rằng, làm sao giá đất hài hoà giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân tôi cho rằng chưa đúng. Phải nói rằng, chính sách thu làm sao hài hoà mới đúng. Nếu ta ấn định giá thấp để thu hút đầu tư thì thu hồi sẽ bị khiếu kiện. Theo tôi, giá phải bám sát thị trường, còn khi thu và mức thu như thế nào để điều tiết hài hoà quyền lợi nhà nước, người dân và doanh là chính sách thu tiền sử dụng đất, thuê đất, thu thuế về sử dụng đất”, ông Chính nói.

Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ đến chúng tôi qua thông tin sau:


    Theo dõi Đại Trường Sơn để nhận thêm nhiều tin tức mới nhất về Bất động sản !

    Đánh giá nội dung này