Dự án Vành đai 4, với tổng chiều dài gần 207 km và mức đầu tư ước tính hơn 128.000 tỷ đồng đang được TP Hồ Chí Minh và các tỉnh đặt mục tiêu sớm hoàn thành.

Sáng ngày 11/11, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh – ông Phan Văn Mãi và Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn đã chủ trì cuộc họp giữa Bộ Giao thông vận tải và đại diện 5 địa phương gồm TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu. Nội dung cuộc họp tập trung vào việc phối hợp triển khai dự án đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh.

Kết luận tại buổi họp, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu UBND các tỉnh nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi (NCTKT) cho các dự án thành phần và gửi về UBND TP. Hồ Chí Minh trước ngày 13/11.

Trên cơ sở hồ này, UBND TP. Hồ Chí Minh sẽ tổng hợp và hoàn thiện Báo cáo NCTKT của dự án tổng thể đường Vành đai 4, bao gồm các chính sách đặc thù, để trình Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào ngày 15/11.

 

Toàn cảnh buổi làm việc (Ảnh: UBND TP. Hồ Chí Minh)

Tại buổi làm việc, ông Phan Văn Mãi nhất trí việc tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục triển khai thực hiện dự án thành phần của đường Vành đai 4 trên địa bàn tỉnh, theo đúng Nghị quyết mà Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương đã thông qua, tuân thủ chỉ đạo của Thủ tướng. Đồng thời, Bình Dương sẽ tham gia vào cơ chế, chính sách chung của dự án Vành đai 4.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cũng đề nghị UBND tỉnh Bình Dương gửi văn bản cho UBND tỉnh Đồng Nai để thống nhất việc đưa hạng mục cầu Thủ Biên vào dự án thành phần trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Về tiến độ xây dựng cầu Thủ Biên, ông Phan Văn Mãi đề nghị tỉnh Đồng Nai triển khai đồng bộ cùng toàn tuyến.

Trong trường hợp Đồng Nai gặp khó khăn về nguồn vốn, các tỉnh TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, và Đồng Nai sẽ cùng nhau cân đối ngân sách cho gói thầu này nhằm bảo đảm tiến độ đồng bộ của dự án Vành đai 4.

Để đẩy nhanh tiến độ, ông Phan Văn Mãi yêu cầu các địa phương chủ động kiến nghị các cơ chế chính sách đặc thù dựa trên tình hình thực tế của mình và gửi văn bản về cho Thành phố. Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phối hợp cùng đơn vị tư vấn rà soát dựa trên các cơ chế chính sách đang được Quốc hội cập nhật trong kỳ họp này.

Bản đồ quy hoạch tổng thể hướng tuyến dự án Vành đai 4 (Ảnh: UBND TP. Hồ Chí Minh)

Dự án Vành đai 4, với tổng chiều dài gần 207 km và mức đầu tư ước tính hơn 128.000 tỷ đồng, được thiết kế với 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp và dải phân cách giữa hai chiều, nhằm phục vụ một kết nối giao thông xuyên suốt giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành lân cận. Cụ thể, đoạn qua TP Hồ Chí Minh dài 17,3 km, Bình Dương 47,5 km, Đồng Nai 45,6 km, Bà Rịa – Vũng Tàu 18 km và Long An hơn 78 km.

Dự án có mục tiêu chung cao nhất là mau chóng khởi công hoàn thiện vào năm 2027 để kết nối cùng Vành đai 3, Vành đai 2, hoàn thiện mạng lưới đường vành đai TP. Hồ Chí Minh.Ngoài ra, dự án còn đóng vai trò góp phần nâng cao cơ sở hạ tầng, kết nối các khu vực trọng điểm phía Nam.

Dự án Vành đai 4 sẽ góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng nhà đât, bất động sản ở các tỉnh thành lân cận Tphcm như: Bình Dương, Long An…Qua đó các dự án sẽ có cơ hội sinh lời cao, thu hút các nhà đầu tư trên khắp cả nước

Nguồn: Hà Giang – nhịp sống kinh doanh

Đánh giá nội dung này