Thông tin đến các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Bình Dương cho biết, dự án đường Vành đai 4 TP.HCM đoạn từ cầu Thủ Biên đến sông Sài Gòn (giai đoạn 1) dài 47,8 km được đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP đã được HĐND tỉnh Bình Dương thông qua.
Dự án được chia làm 2 dự án thành phần gồm giải phóng mặt bằng và thi công xây lắp với tổng mức đầu tư 18.247 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2023-2026. Thời gian dự kiến khởi công trong năm 2024.
Tuyến đường đi qua địa phận huyện Bắc Tân Uyên, TP.Tân Uyên, TP.Thủ Dầu Một, Thị xã Bến Cát và đi qua nhiều địa điểm quan trọng tại Bình Dương như Khu công nghiệp VSIP III, giao với đường cao tốc TP.HCM – Chơn Thành (đang nghiên cứu tiền khả thi).
Đường Vành đai 4, TP.HCM được xây dựng thành quy mô đường cao tốc, quy mô 4-10 làn xe (tùy theo đoạn) vận tốc thiết kế 100 km/h.
Nói về tầm quan trọng của tuyến đường Vành đai 4, TP.HCM, ông Võ Ngọc Sang, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Bình Dương nhấn mạnh, đây là dự án có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển của Bình Dương và các tỉnh, thành lân cận gồm TP.HCM, Đồng Nai và các tỉnh khác.
Khi hoàn thành tuyến Vành đai 4 sẽ rút ngắn thời gian lưu thông từ Bình Dương đến sân bay quốc tế Long Thành và các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đồng thời, thúc đẩy các hoạt động thương mại, vận tải, thông thương mua bán trong khu vực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Tại buổi họp, đa phần người dân đề nghị tỉnh Bình Dương có chính sách phù hợp khi thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng. Người dân đề nghị chính quyền sớm cắm mốc giải phóng mặt bằng thực hiện dự án và quan tâm đến đời sống của các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án.
Theo: Báo Đầu Tư